Thủ tục xuất khẩu mỹ phẩm mới nhất theo pháp luật [2023]

Ngành mỹ phẩm chưa bao giờ ngừng hot, năm 2023 dự kiến công việc liên quan đến Logistics sẽ phát triển không ngừng, trong đó có ngành mỹ phẩm. Tuy nhiên, các bạn có thắc mắc thủ tục xuất khẩu mỹ phẩm thì sẽ có những bước nào không. Cùng tìm hiểu thôi nào!

1. Chính sách xuất nhập khẩu mỹ phẩm

Chính sách xuất khẩu mỹ phẩm ở Việt Nam khá phức tạp, cần phải trải qua nhiều bước. Có thể kể đến quy định theo Thông tư 06/2011/TT-BYT, một số yêu cầu liên quan đến:

  • Hồ sơ thông tin sản phẩm

  • Độ an toàn của sản phẩm

  • Nhãn mác bao bì sản phẩm

  • Quảng cáo và marketing sản phẩm

  • Xuất nhập khẩu mỹ phẩm

 Ngoài ra, theo phụ lục III kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP phân loại mỹ phẩm thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu theo giấy phép và điều kiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y Tế. Khi đó, các cá nhân tổ chức muốn xuất khẩu mỹ phẩm cần đáp ứng những điều sau:

  • Cam kết có giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước;
  • Đảm bảo có giấy chứng nhận cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm”. Đây là nguyên tắc phục vụ nhu cầu xuất khẩu của Hiệp hội các nước Đông Nam Á;
  • Hồ sơ và thủ tục cấp 2 loại giấy này được quy định rất chi tiết. Các cá nhân tổ chức có thể tìm tại Điều 33 – 34 Thông tư số 6/2011/TT-BYT; khoản 1 Điều 1 Thông tư 29/2020/TT-BYT; Điều 12 Nghị định 155/2018/NĐ-CP.
"Điều 32. Xuất khẩu mỹ phẩm
Việc xuất khẩu mỹ phẩm thực hiện tại cơ quan Hải quan theo quy định pháp luật hiện hành và các yêu cầu của nước nhập khẩu.
Điều 33. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước để xuất khẩu
1. Hồ sơ đề nghị cấp CFS bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp CFS (Phụ lục IV của Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu) được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ;
b) Bản sao Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp số tiếp nhận (bản sao có đóng dấu của thương nhân đề nghị cấp CFS).
2. Việc cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với mỹ phẩm sản xuất trong nước để xuất khẩu thực hiện theo quy định tại Chương II Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu, ngoài ra:
a) Mỹ phẩm sản xuất trong nước để xuất khẩu được cấp CFS khi sản phẩm đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
b) Thương nhân xuất khẩu phải đăng ký hồ sơ thương nhân tại Sở Y tế nơi đặt cơ sở sản xuất mỹ phẩm và làm thủ tục cấp CFS đối với hàng hóa mỹ phẩm xuất khẩu.
c) Mỗi CFS được cấp cho 01 hoặc nhiều sản phẩm (mẫu CFS theo Phụ lục số 12-MP) và có giá trị hiệu lực trong vòng 02 năm kể từ ngày cấp.
3. Phí, lệ phí cấp CFS thực hiện theo quy định hiện hành (Phí, lệ phí cấp CFS tính theo sản phẩm ứng với 01 Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp số tiếp nhận).
4. Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan có thẩm quyền cấp và quản lý CFS đối với mỹ phẩm xuất khẩu được sản xuất trên địa bàn (nơi đặt cơ sở sản xuất mỹ phẩm).
Điều 34. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cơ sở đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm" của Hiệp hội các nước Đông Nam á (CGMP-ASEAN) phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu
1. Đơn vị sản xuất có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận cơ sở đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam á (CGMP-ASEAN) để phục vụ cho xuất khẩu gửi hồ sơ đăng ký kiểm tra về Cục Quản lý dược - Bộ Y tế. Hồ sơ bao gồm:
a) Phiếu đăng ký kiểm tra “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (Phụ lục số 13-MP);
b) Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư;
c) Sơ đồ tổ chức và nhân sự của cơ sở (sơ đồ tổ chức phải thể hiện rõ tên, chức danh, trình độ chuyên môn kỹ thuật của các cán bộ phụ trách các bộ phận), quá trình công tác và kinh nghiệm trong lĩnh vực được phân công của các cán bộ phụ trách các bộ phận (sản xuất, kiểm tra chất lượng, đảm bảo chất lượng, nhà kho);
d) Chương trình tập huấn, đánh giá kết quả tập huấn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” tại đơn vị;
đ) Sơ đồ vị trí và thiết kế của nhà máy (bao gồm: sơ đồ mặt bằng tổng thể; sơ đồ đường đi của công nhân; sơ đồ đường đi của nguyên liệu, bao bì, bán thành phẩm, thành phẩm; sơ đồ hệ thống xử lý chất thải);
e) Danh mục thiết bị hiện có của nhà máy (bao gồm thiết bị sản xuất và thiết bị kiểm tra chất lượng mỹ phẩm) phải thể hiện được tên thiết bị, năm sản xuất, nước sản xuất và tình trạng của thiết bị;
g) Danh mục các mặt hàng đang sản xuất hoặc dự kiến sản xuất (ghi rõ dạng sản phẩm);
h) Biên bản tự thanh tra “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” (Biên bản tự thanh tra phải thể hiện rõ thời gian thanh tra, thành phần đoàn tự thanh tra, mục tiêu tự thanh tra, kết quả tự thanh tra và các đề xuất thời gian và biện pháp khắc phục các tồn tại).
2. Thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết hồ sơ:
Cục Quản lý dược - Bộ Y tế có trách nhiệm xem xét hồ sơ, lên kế hoạch và ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra, thông báo cho cơ sở ít nhất 10 ngày trước khi tiến hành kiểm tra.
3. Giấy chứng nhận cơ sở đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm" có giá trị 03 năm kể từ ngày cấp.
4. Đơn vị sản xuất (gọi tắt là cơ sở đăng ký GMP) phải nộp phí thẩm định tiêu chuẩn và điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định hiện hành."



2. HS code các mặt hàng mỹ phẩm

Mã HS là mã gì? Mã HS hay còn được gọi là HS code là từ viết tắt của từ Harmonized Commodity Description and Coding System. Đây là mã dùng để phân loại các sản phẩm, hàng hóa khác nhau thường được dùng trong việc xác định mức thuế xuất nhập khẩu.


Mã HS hay Hệ thống HS được Tổ chức Hải quan thế giới định nghĩa là hệ thống cơ bản về việc mô tả và mã hóa hàng hóa. Nó giúp quản lý mỗi sản phẩm được tốt hơn khi ngày nay có vô vàn các sản phẩm trên thị trường.