Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm chính xác [2023]

Nhu cầu sử dụng mỹ phẩm phát triển khiến cho ngành công nghiệp sản xuất mỹ phẩm tại Việt Nam cũng phát triển mạnh mẽ, nhiều thương hiệu sản xuất mỹ phẩm nội địa ra đời,  các dây chuyền sản xuất mỹ phẩm từ nước ngoài được du nhập vào Việt Nam.

Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm trong nước đang rất hạn chế. Vì vậy, để đáp ứng nguồn nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm như thế nào, cần những chứng từ gì? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về các vấn đề trên. 

1. Nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm là gì?

Nguyên liệu là những thành phần được dùng để tạo nên một sản phẩm. Nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm là những chất được sử dụng để điều chế, gia công và sản xuất các loại mỹ phẩm. Nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm rất đa dạng và phong phú. 


Theo công dụng, nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm bao gồm các nhóm chính sau: 

  • Chất nền

  • Nhũ hóa tạo gel, tạo độ đặc

  • Hoạt chất

  • Phụ gia

  • Chất tạo mùi hương

  • Chất tạo màu

  • Chất bảo quản

Theo nguồn gốc, nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm được chia làm ba loại: 

  • Dạng tổng hợp

  • Dẫn xuất

  • Dạng 100% từ thiên nhiên

2. Mã HS và thuế suất nhập khẩu của nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm

Theo biểu thuế xuất nhập khẩu Việt Nam 2023, nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm thuộc các chương sau:

  • Với nguyên liệu có nguồn gốc chiết xuất từ thực vật thuộc Chương 13: Nhựa cánh kiến đỏ; gôm, nhựa cây, các chất nhựa và các chất chiết xuất từ thực vật khác. 

Ở Chương này, nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm là các mã HS sau:


Mã HS

Mô tả hàng hóa

Thuế NK

thông thường

Thuế NK

ưu đãi

Thuế NK ưu đãi đặc biệt

13023200

Chất nhầy và chất làm đặc, làm dày, đã hoặc chưa biến đổi, thu được từ quả minh quyết, hạt minh quyết hoặc hạt guar

7.5%

5%

0%

13023990

Loại khác

7.5%

5%

0%


  • Cồn là nguyên liệu thường được dùng trong sản xuất mỹ phẩm. Cồn được phân loại ở Chương 22: Đồ uống, rượu và giấm. Phân nhóm 2207: Cồn etylic chưa biến tính có nồng độ cồn từ 80% trở lên tính theo thể tích; cồn etylic và rượu mạnh khác, đã biến tính, ở mọi nồng độ.


Mã HS

Mô tả hàng hóa

Thuế NK

thông thường

Thuế NK

ưu đãi

22071000

Cồn etylic chưa biến tính có nồng độ cồn từ 80% trở lên tính theo thể tích

60.0%

40%

22072090

Loại khác

60.0%

40%

  • Nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm là hóa chất, thuộc các Chương sau:

  • Chương 28: Hóa chất vô cơ; các hợp chất vô cơ hoặc hữu cơ của kim loại quý, kim loại đất hiếm, các nguyên tố phóng xạ hoặc các chất đồng vị

  • Chương 29: Hóa chất hữu cơ

  • Chương 38: Các sản phẩm hóa chất khác

Tùy từng loại hóa chất khác nhau sẽ có mã hs khác nhau và mức thuế nhập khẩu cũng khác nhau. Tuy nhiên, mức thuế suất nhập khẩu thông thường chiếm đa số của ba chương này là 5%, 10% và 15%; thuế suất nhập khẩu ưu đãi là 0% và 5%; thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 0%.

  • Chiếm một tỷ lệ lớn trong nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm nhập khẩu là các nguyên liệu thuộc Chương 33 và Chương 34.

  • Chương 33: Tinh dầu và các chất tựa nhựa; nước hoa, mỹ phẩm hoặc các chế phẩm dùng cho vệ sinh

Tại Chương này, mức thuế suất nhập khẩu thông thường thấp nhất là 7,5%, cao nhất là 33%; thuế suất nhập khẩu ưu đãi từ 5% đến 22%; thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt chiếm đa số là 0%, riêng nguyên liệu nhập từ châu Âu thuế suất ưu đãi đặc biệt thấp nhất là 1,6%, thậm chí có loại lên đến 10%.

  • Chương 34: Xà phòng, các chất hữu cơ hoạt động bề mặt, các chế phẩm dùng để giặt, rửa, các chế phẩm bôi trơn, các loại sáp nhân tạo, sáp đã được chế biến, các chế phẩm dùng để đánh bóng hoặc tẩy sạch, nến và các sản phẩm tương tự, bột nhão dùng làm hình mẫu, "sáp dùng trong nha khoa" và các chế phẩm dùng trong nha khoa có thành phần cơ bản là thạch cao.

Tại chương này, nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm chủ yếu thuộc nhóm 3401; 3402; 3303; 3404: xà phòng, chất hữu cơ hoạt động bề mặt, chế phẩm làm sạch; nước hoa và sáp. 

Xà phòng, các chất hữu cơ hoạt động bề mặt thuộc nhóm 3401 có mức thuế suất nhập khẩu thông thường chủ yếu là 30%, 33%; riêng đối với sản phẩm làm sạch da thuế nhập khẩu thông thường là 40,5%. Thuế suất nhập khẩu ưu đãi của nhóm 3401 là 20%, 22% và 27%; thuế suất ưu đãi đặc biệt từ 0% đến 22% tùy thuộc vào nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu nhập khẩu.

Nhóm 3402 là nhóm chế phẩm làm sạch không chứa xà phòng có mức thuế suất nhập khẩu thông thường là 12% và 15%, thuế suất nhập khẩu ưu đãi 8% và 10%, thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đa số được giảm còn 0%.

Nước hoa, nước thơm có mã hs 33030000, thuế suất nhập khẩu thông thường 27%, thuế suất nhập khẩu ưu đãi 18%, thuế suất ưu đãi đặc biệt có mức thuế từ 0% đến 18% tùy theo nguồn gốc hàng hóa.

Sáp được phân vào nhóm 3404, thuế suất nhập khẩu thông thường 4.5%, thuế suất nhập khẩu ưu đãi 3%, thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt chiếm phần lớn 0%.

Nhìn chung các nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm khi nhập khẩu đều phải chịu thuế nhập khẩu, mức thuế từ 5% đến 40%. Các doanh nghiệp nhập khẩu nên sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin - C/O) khi nhập khẩu để được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

3. Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm

Nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm chưa phải là mỹ phẩm nên không chịu quản lý của Bộ Y tế và được nhập khẩu như hàng hóa thông thường. Tuy nhiên, nguyên liệu có nguồn từ thực vật phải thực hiện kiểm dịch thực vật nhập khẩu, là hàng hóa nhập khẩu có điều kiện, chịu quản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hàng hóa chất cũng là hàng hóa nhập khẩu có điều kiện thuộc quản lý của Bộ Công Thương.


Vậy trước khi nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm cần kiểm tra các nguyên liệu đó có thuộc danh mục hàng hóa chịu sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với nguyên liệu có nguồn gốc thực vật theo Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT và hàng hóa chất nhập khẩu được quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP và Nghị định 38/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu có, phải thực hiện các bước dưới đây:


3.1. Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm có nguồn gốc thực vật thuộc diện phải kiểm dịch thực vật

Trình tự, thủ tục kiểm dịch thực vật nhập khẩu được quy định tại Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT và được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 15/2021/TT-BNNPTNT.

  • Bước 1: Đăng kí kiểm dịch thực vật.

Doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ giấy hoặc nộp qua trực tuyến. Trường hợp nộp hồ sơ qua trực tuyến, doanh nghiệp tiến hành đăng ký tài khoản và thao tác trên phần mềm PQS.

Thành phần hồ sơ đăng kí kiểm dịch thực vật gồm:

  • Giấy đăng kí kiểm dịch thực vật theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư 33/2014/TT-BNNPTNT

  • Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật (Phytosanitary) do nước xuất khẩu cấp.

  • Invoice, packing list, Vận đơn và hợp đồng mua bán hàng hóa

  • Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ

Cơ quan quản lý tiếp nhận hồ sơ và phản hồi về tính hợp lệ của bộ hồ sơ mà doanh nghiệp đăng ký. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì yêu cầu doanh nghiệp bổ sung và hoàn thiện hồ sơ.

  • Bước 3: Kiểm tra vật thể (hàng hóa)

Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ, cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định địa điểm và bố trí công chức kiểm tra ngay lô vật thể. Kiểm tra tình trạng bao gói và độ nguyên vẹn của lô hàng; Phân tích giám định mẫu vật thể, sinh vật gây hại đã thu thập được.

  • Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật

Đối với lô hàng đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật: Cơ quan kiểm dịch thực vật cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch.

Đối với lô hàng không đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật (hàng hóa bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ) cơ quan kiểm dịch thực vật quyết định áp dụng các biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật phù hợp theo quy định.

3.2. Thủ tục nhập khẩu nguyên liệu là hóa chất.

Hóa chất nhập khẩu được quy định chi tiết tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 09/10/2017. Theo Nghị định này, hóa chất nguy hiểm được phân làm 4 loại sau:

Loại 1: Hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp (thuộc phụ lục I, II của Nghị định 113)

Loại 2: Hóa chất cấm nhập khẩu (thuộc phụ lục III của Nghị định 113): đối với những hóa chất này thì doanh nghiệp không được phép nhập khẩu.

Loại 3: Tiền chất công nghiệp (thuộc danh mục tiền chất công nghiệp của Nghị định 113)

Loại 4: Hóa chất phải khai báo trước khi nhập khẩu (thuộc phụ lục V của Nghị định 113)


Thủ tục nhập khẩu cho 4 loại hóa chất trên là khác nhau.

  • Loại 1: Đối với hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp cần phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.


Điều kiện để cấp Giấy chứng nhận:

  • Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật và có ngành nghề sản xuất, kinh doanh hóa chất;

  • Cơ sở vật chất - kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu trong sản xuất, kinh doanh hóa chất: yêu cầu đối với nhà xưởng, kho chứa; yêu cầu đối với công nghệ, thiết bị, dụng cụ, bao bì; yêu cầu đối với bảo quản, vận chuyển hóa chất;

  • Diện tích nhà xưởng, kho chứa phải đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Cơ sở sản xuất có đủ diện tích để bố trí dây chuyền sản xuất phù hợp với công suất thiết kế, đảm bảo các công đoạn sản xuất, đáp ứng yêu cầu công nghệ;

  • Có cửa hàng hoặc địa điểm kinh doanh, nơi bày bán đảm bảo các yêu cầu về an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật;

  • Vật chứa, bao bì lưu trữ hóa chất phải bảo đảm được chất lượng và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật; phương tiện vận chuyển hóa chất phải tuân thủ theo quy định của pháp luật;

  • Có kho chứa hoặc có hợp đồng thuê kho chứa hóa chất hoặc sử dụng kho của tổ chức, cá nhân mua hoặc bán hóa chất đáp ứng được các điều kiện về bảo quản an toàn hóa chất, an toàn phòng, chống cháy nổ;

  • Người phụ trách về an toàn hóa chất của cơ sở kinh doanh hóa chất phải có trình độ trung cấp trở lên về chuyên ngành hóa chất;

  • Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất phải có bằng đại học trở lên về chuyên ngành hóa chất;

Hồ sơ cấp Giấy chứng nhận:

  • Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp.

  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

  • Bản kê khai về từng địa điểm sản xuất, kinh doanh

  • Bản sao Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy và văn bản chấp thuận nghiệm thu hệ thống phòng cháy và chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền đối với từng cơ sở sản xuất; Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy hoặc văn bản của cơ quan có thẩm quyền;

  • Bản vẽ tổng thể hệ thống mặt bằng nhà xưởng, kho chứa; Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đối với thửa đất xây dựng nhà xưởng, kho chứa hoặc Hợp đồng thuê nhà xưởng, kho chứa.

  • Bản kê khai thiết bị kỹ thuật, trang bị phòng hộ lao động và an toàn của cơ sở sản xuất hóa chất

  • Bản sao bằng đại học trở lên chuyên ngành hóa chất của Giám đốc hoặc Phó Giám đốc kỹ thuật hoặc cán bộ kỹ thuật phụ trách hoạt động sản xuất hóa chất của cơ sở sản xuất;

  • Bản sao hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất

  • Phiếu an toàn hóa chất của các hóa chất nguy hiểm trong cơ sở sản xuất theo quy định

Trình tự cấp Giấy chứng nhận:

Bước 1: Doanh nghiệp gửi một bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đến Sở Công Thương nơi doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh để thẩm định.

Bước 2: Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công Thương kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ và không hợp lệ, Sở Công Thương thông báo để doanh nghiệp bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Bước 3: Trong thời hạn 12 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Công thương xem xét, thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điện cho doanh nghiệp. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận, cơ quan có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

  • Loại 3: Tiền chất công nghiệp

Hiện này, việc xin giấy phép nhập khẩu tiền chất công nghiệp được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử Một cửa Quốc gia, website: https://vnsw.gov.vn/. Với doanh nghiệp chưa có tài khoản thì cần tạo tài khoản và đăng nhập. Sau khi đăng nhập, chọn vào mục “Cấp giấy phép XNK tiền chất công nghiệp” và “Thêm mới” để tạo hồ sơ, thực hiện nhập dữ liệu các tiêu chí khai báo trên hệ thống, bao gồm:

  • Tên, địa chỉ doanh nghiệp, loại hình hoạt động, địa chỉ nơi sản xuất, kinh doanh

  • Tên người đại diện của doanh nghiệp, tên, số điện thoại người liên hệ

  • Loại hồ sơ

  • Mục đích nhập khẩu

  • Tên cửa khẩu, thời gian nhập khẩu, phương tiện vận chuyển

  • Nơi làm thủ tục hải quan

  • Danh sách hàng hóa: mã CAS, tên hàng hóa thương mại, mã HS, hàm lương (%), khối lượng, loại hình hàng hóa, mô tả hàng hóa.

  • Chứng từ kèm theo: Hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán, MSDS


Sau khi nhập dữ liệu đầy đủ, doanh nghiệp cần lưu thông tin và gửi hồ sơ. Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục hóa chất kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ; Cục hóa chất phản hồi qua hệ thống để doanh nghiệp bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ  ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Cục hóa chất có trách nhiệm cấp Giấy phép nhập khẩu tiền chất công nghiệp cho doanh nghiệp nhập khẩu.

  • Loại 4: Hóa chất phải khai báo hóa chất trước khi nhập khẩu

Tương tự như tiền chất công nghiệp, với những hóa chất thuộc phụ lục V của Nghị định 113/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp phải thực hiện khai báo hóa chất trước khi nhập khẩu tại Cổng thông tin điện tử Một cửa Quốc gia: https://vnsw.gov.vn/. Sau khi đăng nhập, doanh nghiệp chọn mục Khai báo hóa chất và “Thêm mới” để tạo hồ sơ. Hồ sơ gồm các thông tin sau:

  • Nơi tiếp nhận hồ sơ : Cục hóa chất

  • Người đại diện doanh nghiệp

  • Tên, số điện thoại người phụ trách khai báo

  • Số và ngày hóa đơn

  • Tên và quốc gia xuất khẩu

  • Cửa khẩu nhập

  • Thông tin hóa chất: mã CAS, Tên thương mại, mã HS, hàm lượng (%), khối lượng, xuất xứ, trạng thái, xếp loại nguy hiểm, mục đích nhập khẩu

  • Chứng từ kèm theo: Hóa đơn mua bán, MSDS

Sau khi nhập dữ liệu đầy đủ, doanh nghiệp cần lưu hồ sơ và ấn gửi hồ sơ. Hồ sơ được kiểm tra và duyệt tự động nên số khai báo sẽ được trả về trong ngày.

Như vậy, trước khi nhập khẩu hóa chất, doanh nghiệp cần kiểm tra hóa chất nhập khẩu thuộc loại hóa chất nào, thuộc phụ lục nào của Nghị định 113/NĐ-CP, từ đó thực hiện xin giấy phép nhập khẩu và các giấy tờ liên quan. Nếu hóa chất nhập khẩu không thuộc danh mục Nghị định 113/NĐ-CP thì thực hiện nhập khẩu như hàng hóa thông thường.

Khi đã có đầy đủ các loại giấy tờ xuất nhập khẩu cần thiết, giấy phép nhập khẩu, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm.

4. Thủ tục hải quan

Doanh nghiệp thực hiện khai báo hải quan điện tử và gửi hồ sơ đến cơ quan hải quan gồm các chứng từ sau:

  • Mẫu tờ khai hải quan nhập khẩu

  • Hóa đơn thương mại

  • Vận đơn

  • Các giấy tờ liên quan (nếu có): Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh hàng hóa sản xuất, kinh doanh có điều kiện, Giấy phép nhập khẩu tiền chất công nghiệp, Khai báo hóa chất, MSDS đối với hàng hóa chất,...

  • Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O): nếu có

Doanh nghiệp thực hiện nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu, lệ phí hải quan. 

Sau khi tờ khai hải quan được công chức hải quan kiểm tra và duyệt thông quan, doanh nghiệp thực hiện hải quan giám sát tại cửa khẩu và vận chuyển hàng hóa về kho cơ sở sản xuất.

Xem thêm: Quy trình khai báo hải quan hàng nhập khẩu


Kết luận

Trên đây là những chia sẻ về thủ tục nhập khẩu nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm của công ty GOL. Để làm thủ tục thông quan hàng hóa được diễn ra thuận tiện, công ty GOL chúng tôi cung cấp đến quý khách hàng phần mềm khai báo hải quan điện tử. Để biết thêm thông tin chi tiết về phần mềm, vui lòng liên hệ ngay với hotline: 0909.898.588.



TIN TỨC