FSMA đã có những ảnh hưởng và tác động toàn diện đến từng loại hàng hóa, sản phẩm, thực phẩm ở Hoa Kỳ cũng như các nhà phân phối, cơ sở có nhu cầu xuất khẩu thực phẩm sang Hoa Kỳ. Do đó, trong bài viết này, GOL sẽ chia sẻ những điểm chính và các thông tin mới nhất về Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm FSMA nhằm giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn về Luật này.
1. Khái niệm FSMA là gì?
FSMA là cụm từ viết tắt của The Food Safety Modernization Act (dịch nghĩa là: Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm). Đây được xem là tên của một cuộc cải cách sâu rộng trong vấn đề ban hành luật an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng được tốt hơn, FDA cũng cho phép tăng cường hệ thống an toàn thực phẩm và chỉ định những cơ quan thực thi việc phòng ngừa rủi ro, phản ứng nhanh nhạy khi vấn đề xảy ra để đạt tỷ lệ cao hơn trong quá trình tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ngoài ra, FSMA cũng đề cập đến việc đưa ra các phương tiện và công cụ mới thuộc sở hữu của FDA nhằm góp phần nâng cao tiêu chuẩn của thực phẩm nhập khẩu ngang bằng với tiêu chuẩn của thực phẩm trong nước, xây dựng được một hệ thống an toàn thực phẩm quốc gia tích hợp với sự quản lý của các cơ quan nhà nước và địa phương.
2. Vì sao FSMA được ban hành?
Theo CNN trích dẫn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính mỗi năm có 420.000 người tử vong do ăn các loại thực phẩm bị nhiễm khuẩn; tính riêng tại Mỹ, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật (CDC) của quốc gia này ghi nhận mỗi năm có khoảng hơn ba nghìn (3000) trường hợp tử vong do thực phẩm bẩn và không đảm bảo chất lượng gây nên. Đặc biệt vào mùa hè năm 2018, Trung tâm này đã ghi nhận khoảng mười ba (13) đợt dịch do thực phẩm gây ra tại Mỹ.
Từ các số liệu trên của CDC, các cấp quản lý và cơ quan chức năng tại Hoa Kỳ cho rằng rằng việc nếu chúng ta ngăn chặn bệnh tật ngay từ đầu thì sẽ hiệu quả hơn việc ứng phó với bệnh tật sau khi thực phẩm gây ra.
Chính vì thế, để có thể sửa đổi được các quy định liên quan đến quy trình sản xuất thực phẩm, nâng cao tiêu chuẩn nhập khẩu của các cơ sở hàng hóa, đáp ứng được những thay đổi mạnh mẽ và đảm bảo chất lượng trong hệ thống thực phẩm toàn cầu, Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm đã được ban hành.
3. Đối tượng và nội dung của quy tắc FSMA là gì?
3.1. Đối tượng
Bộ luật Food Modernization Safety Act là bộ luật mới nhất của FDA áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm do FDA quản lý, trừ những trường hợp khác do FDA đã quy định cụ thể (sản xuất, bảo quản và sử dụng với tư cách cá nhân...) thì không cần áp dụng các quy tắc FSMA. Điều này đồng nghĩa với việc các các cơ sở thực hiện xuất khẩu thực phẩm sang Mỹ hoặc cơ sở sản xuất, phân phối, lưu trữ hàng hóa, thực phẩm tại chính quốc gia này mà đã đăng ký FDA trước đó thì cần phải tuân thủ chặt chẽ quy định của Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm - FSMA.
Trong một số trường hợp, FDA sẽ thông báo về việc kiểm tra các cơ sở thì doanh nghiệp cần chuẩn bị ít nhất một (01) nhân sự được đào tạo bài bản và có chứng chỉ của FSMA.
Ngoài ra, FSMA cũng sẽ được áp dụng cho những doanh nghiệp đang thực hiện kế hoạch HACCP (Phân tích mối nguy và Điểm kiểm soát tới hạn) qua việc cập nhật và cải tiến kế hoạch này để tiến tới việc tuân thủ hoàn toàn Luật FSMA.
Cũng trong bộ luật này, các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu đều cần phải tiến hành thay đổi, bổ sung các quy trình quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm sao cho phù hợp với doanh nghiệp của mình để đạt chuẩn theo FSMA và có thể tiếp tục cung cấp hàng hóa, sản phẩm thâm nhập vào thị trường Mỹ.
3.2. Nội dung
Căn cứ trên các quy định của FSMA, những doanh nghiệp trong nước đều buộc phải thực hiện đầu tư xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm theo một quy trình an toàn và đảm bảo chất lượng ngay từ trong nước. Cụ thể, chuỗi cung ứng này phải được giám sát và quản lý, kiểm tra phòng ngừa rủi ro định kỳ bởi FDA và các cơ quan chức năng có liên quan khác của Mỹ. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu Mỹ cũng phải có kế hoạch kiểm tra nhà cung ứng của mình để có thẻ đảm bảo được việc sản phẩm cùng cơ sở sản xuất phù hợp với thang tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của chính quốc gia này và sau đó mới cấp giấy chứng nhận nhập khẩu.
Sau đây là chi tiết bảy (07) quy tắc chính khi thực hiện FSMA đã được hoàn thiện bởi FDA:
Một là, các cơ sở thực phẩm đã đăng ký với FDA cần phải kiểm soát Phòng ngừa đối với các loại thực phẩm dành cho Người bằng cách cụ thể hóa kế hoạch bằng văn bản để xác định rõ rừng mối nguy hại cũng như vạch ra các biện pháp, phương án kiểm soát phòng ngừa thích hợp;
Hai là, các cơ sở thực phẩm đã đăng ký FDA hay đã thực hiện thủ tục xin giấy chứng nhận FDA cũng cần phải kiểm soát Phòng ngừa đối với các loại thực phẩm dành cho Động vật bằng các văn bản kế hoạch, đưa ra được phương án dự phòng trong việc kiểm soát phòng ngừa đối với các mối nguy hại trong loại thực phẩm nêu trên;
Ba là, các cơ sở thực phẩm cần thiết lập các tiêu chuẩn về sản xuất an toàn tối thiểu để từ đó tiến hành trồng, thu hoạch, đóng gói và lưu trữ các loại mặt hàng, sản phẩm;
Bốn là, các nhà nhập khẩu tại Mỹ phải thực hiện xác minh việc tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định của FDA đối với các nhà cung cấp nước ngoài của họ thông qua một số chương trình xác minh;
Năm là, các cơ sở thực phẩm thực hiện công nhận các tổ chức chứng nhận của bên thứ ba trong việc quản lý các cuộc đánh giá, tư vấn tự nguyện nhằm giúp các cơ sở sản xuất chuẩn bị tốt hơn cho những lần đánh giá tiếp theo theo quy định và đạt được các chứng nhận cần thiết;
Sáu là, các cơ sở thực phẩm đã đăng ký với FDA sẽ phải tiến hành phát triển một hoặc một vài kế hoạch đánh giá các lỗ hổng ô nhiễm, từ đó lập thành các văn bản chiến lược giảm thiểu cho từng lỗ hổng đó nhằm mục đích bảo vệ thực phẩm (bao gồm các việc chống gian lận, giả mạo, trộn lẫn có chủ ý,...);
Bảy là, đối với các công ty thực hiện vận chuyển thực phẩm, tức là bao gồm cả người gửi hàng, người nhận hàng, người bốc xếp và người vận chuyển sẽ tăng thêm yêu cầu về đảm bảo vệ sinh.
Trong bảy (07) quy tắc của FSMA đã nêu trên, nội dung mà các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam thường quan tâm nhất là các chương trình xác nhận nhà cung cấp nước ngoài của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (quy tắc số 04).
Bên cạnh đó, các quy tắc trên của FSMA cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của các nhà nhập khẩu Mỹ đối với các hành động:
Xác định các mối nguy có thể đoán trước được hoặc đã biết với từng thực phẩm, chẳng hạn như:
Mối nguy về sinh học, bao gồm: ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh
Mối nguy về hóa học, bao gồm: thuốc trừ sâu, độc tố tự nhiên, các chất phụ gia và tạo màu không đủ tiêu chuẩn, các chất gây dị ứng trong thực phẩm, các chất phóng xạ,...
Mối nguy về vật lý, bao gồm: nhiễm bẩn kim loại, nhiễm bẩn thủy tinh;
Mối nguy về lợi ích kinh tế có nguy cơ gây ra bệnh, thương tích: thay thế một hoặc một vài thành phần khác rẻ tiền hơn nhưng không đảm bảo chất lượng;
Đánh giá rủi ro của thực phẩm bằng việc phân tích các mối nguy và xem xét sự an toàn trong quá trình thực hiện của các nhà cung cấp, cụ thể là các yếu tố sau:
Nguyên liệu, công thức thực phẩm và các thành phần khác;
Điều kiện, chức năng, mô hình thiết kế của thiết bị và các cơ sở trong một công ty sản xuất thực phẩm điển hình;
Quy trình vận chuyển thực tế;
Quy trình khai thác, nuôi trồng, sản xuất, chế biến, đóng gói và dán nhãn;
Các hoạt động lưu trữ và phân phối;
Tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh, đặc biệt vệ sinh lao động;
Các kế hoạch và phương án dự phòng cho những tình huống có thể lường trước.
Áp dụng những đánh giá rủi ro trong quy trình sản xuất thực phẩm nhập khẩu để xem xét chấp thuận cho nhà cung cấp
Xác minh đối với nhà cung cấp phù hợp
Thực hiện các hoạt động và biện pháp khắc phục
Ngoài những nội dung trên, FSMA còn cho phép FDA thực hiện các hành động ngăn chặn việc đưa những thực phẩm bị pha trộn, bị nhầm lẫn mà có nguy cơ gây hại vào thị trường Mỹ, bởi một số lý do:
Thực phẩm pha trộn có thể bao gồm những thực phẩm có chứa một hoặc một số chất phụ gia không đủ tiêu chuẩn, bị ôi thiu, phân hủy, nhiễm bẩn vi khuẩn hoặc hóa học; được đóng gói và bảo quản trong môi trường và điều kiện không đủ vệ sinh; hoặc các thành phần và nguyên liệu đã bị thay thế bởi các thành phần và nguyên liệu giá trị kém hơn;
Thực phẩm bị nhầm lẫn có thể bao gồm việc bao bì của thực phẩm không công bố chính xác và đầy đủ các thành phần trong thực phẩm, các chất dị ứng chính hoặc các thông tin dinh dưỡng có trong sản phẩm.
Do đó, FSMA được xem là một công cụ hữu hiệu cho phép FDA loại bỏ thành công các thực phẩm kém chất lượng, không đủ tiêu chuẩn khỏi kênh phân phối qua việc thực hiện các hành động mang tính hợp pháp.
4. Chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp không tuân thủ FSMA
Các cơ sở sản xuất có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các loại dịch bệnh do thực phẩm gây ra thông qua những trách nhiệm được nêu trong Luật Hiện đại hóa An toàn Thực phẩm (FSMA). Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp không tuân thủ đúng theo đạo luật này?